Các mục tiêu của tâm lý trị liệu Tâm_lý_trị_liệu

Tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó "tự hiện thực hóa bản thân mình". Các mục tiêu chính của tâm lý trị liệu bao gồm: Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột, gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ, giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn, giúp thân chủ củng cố một cái "Tôi" vững mạnh, toàn vẹn và an toàn.

Các bước cơ bản trong tiến trình làm tâm lý trị liệu là: Tạo một bầu không khí quan hệ có tính trị liệu, giải tỏa cảm xúc của thân chủ, tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ, giúp thân chủ định hình lại cảm xúc, kết thúc trị liệu[3]

Từ thời cổ đại, Hippocrates, ông tổ của y học phương Tây đã từng kể ra ba công cụ chủ yếu mà một người thầy thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh, đó là: cây cỏ, con dao và lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất ra các dược liệu, từ con dao có thể cắt bỏ đi những phần cơ thể bị bệnh mà không thể giữ lại được, và từ đó đã dần dần hình thành nên các chuyên khoa nộingoại trong y khoa hiện đại. Song chỉ khi có sự hình thành và phát triển của ngành tâm lý học hiện đại và ngành tâm thần học hiện đại, giá trị của việc sử dụng lời nói trong chữa bệnh mới được phát huy thành một phương pháp trị liệu thực sự khoa học. Phương thức trị liệu ấy được một số nhà tiên phong trong lĩnh vực này, như Sigmund Freud gọi là "chữa trị bằng lời nói", tiếng Anh: talking cure mà về sau nó trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu, với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác nhau.